Thursday, July 28, 2005

Mozilla giới thiệu công nghệ trình duyệt web cho ĐTDĐ

- Mozilla vừa mới giới thiệu công nghệ sẽ được ứng dụng trong trình duyệt web dành riêng cho điện thoại di động (ĐTDĐ) của hãng.

Tuy nhiên, về thực chất trình duyệt web dành cho điện thoại di động của Mozilla vẫn dựa trên nền tảng mã nguồn của Firefox - trình duyệt web dành cho máy tính Mozilla.

Chris Hofmann, giám đốc sản xuất của Mozilla cho biết, trình duyệt web dành cho ĐTDĐ của hãng có tên là Minimo 0.007 sẽ tương thích và chạy trên nền tảng hệ điều hành Windows CE và cũng có rất nhiều các tính năng tương tự như Firefox như truy cập theo tabs, hỗ trợ các bổ sung, giao diện được viết bằng ngôn ngữ XUL (user interface language).

Ngôn ngữ XUL là một bộ các mã XML có khả năng mô tả giao diện người sử dụng do Mozilla phát triển riêng cho công nghệ trình duyệt của mình. XUL hỗ trợ JavaScript, RDF và công nghệ CSS (cascading style sheets) - loại công nghệ cho phép thay đổi giao diện các trang web để chúng thích hợp hơn với màn hình hạn chế của các loại ĐTDĐ.

Hiện Mozilla vẫn chưa cho biết thời gian chính thức ra mắt của trình duyệt Minimo.

Theo thông tin cho biết trình duyệt Mimimo sẽ tìm cách giải quyết vấn đề về hiển thị trang web trên màn hình ĐTDĐ - vấn đề mà rất nhiều các loại trình duyệt dành cho ĐTDĐ đang mắc phải.

Hiện Mozilla cũng đã tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất điện thoại di động về khả năng tích hợp trình duyệt Minimo và các sản phẩm của họ.

Monday, July 25, 2005

ĐTDĐ dùng năng lượng mặt trời

- Tại triển lãm Wireless Japan 2005 đang diễn ra ở Nhật, Hãng NTT DoCoMo đã giới thiệu mẫu điện thoại di động độc đáo với khả năng hoạt động bằng năng lượng mặt trời có tên Music PORTER.

Điện thoại này được trang bị một tấm bảng (panel) hấp thụ năng lượng mặt trời và chuyển nó thành nguồn điện cung cấp cho pin của điện thoại để sử dụng. Chỉ cần những ngày nắng thông thường là bạn đã có thể sạc đầy được pin cho điện thoại và dự trữ nó để sử dụng.

Friday, July 22, 2005

Kiểm soát con cái bằng ĐTDĐ

- Một dịch vụ cho phép cha mẹ kiểm soát con cái thông qua ĐTDĐ vừa được tung ra tại Anh trong tuần qua.

Dịch vụ kiểm soát trẻ em mang tên KidsOK này sẽ gửi về máy ĐTDĐ của cha mẹ chúng một tin nhắn miêu tả vị trí của trẻ em và kèm theo một bản đồ nhỏ. KidsOK có khả năng xác định vị trí trẻ trong phạmvi 500 m ở vùng đô thị và đến khoảng 5 km ở vùng nông thôn và dĩ nhiên cha mẹ phải trang bị cho con cái mình một ĐTDĐ phù hợp.

Cha mẹ có thể biết được vị trí của trẻ đang chơi bằng cách gửi một tin nhắn có tên của con mình cho dịch vụ KidsOK, lệnh gửi rất đơn giản như:”Ping Cu Tèo”.. chẳng hạn. Ngay khi nhận được lời yêu cầu, dịch vụ KidsOK sẽ sử dụng một trạm phát sóng di động gần nhất của mạng di động để xác định vị trí của đứa trẻ và gửi thông báo bằng tin nhắn về cho cha mẹ chúng chỉ trong vòng 60 giây, kèm theo một bản đồ nhỏ nếu ĐTDĐ của các bậc phụ huynh có khả năng thể hiện hình ảnh.

Dịch vụ này chỉ được thực hiện giữa các ĐTDĐ của cha mẹ và con cái cũng như phải được sự đồng thuận của tất cả các bên đăng ký dịch vụ. Khi dịch vụ được ký kết xong là cha mẹ có thể kiểm soát vị trí của con cái bất kỳ lúc nào mà chúng không hề hay biết.

Trẻ em được cha mẹ trang bị ĐTDĐ cũng được nhà cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn cho biết rằng chúng luôn ở trong “tầm phủ sóng” của bố mẹ, nhưng nếu chúng kiên quyết từ chối dịch vụ “theo dõi” này thì hợp đồng của nhà cung cấp dịch vụ đối với cha mẹ chúng đương nhiên bị hủy bỏ. Toàn bộ các số ĐTDĐ đăng ký dịch vụ đều được KidsOK mã hóa và đảm bảo bí mật.

Dịch vụ KidsOK sẽ có giá thuê bao khoảng 70USD/năm với 3 ĐTDĐ, 10 lần tìm kiếm đầu tiên sẽ được miễn phí nhưng các lần tìm kiếm sau đó sẽ được tính tiền tùy theo mức độ dùng ít hay nhiều. Dịch vụ này hiện đã có khoảng 500 đại lý đăng ký trên toàn nước Anh. Trước mắt KidsOK hỗ trợ các loại ĐTDĐ của O2, Orange, T-Mobile và Vodafone networks.

Những người hay ghen có thể dẫn con hoặc cháu của mình đi đăng ký dịch vụ kiểm soát này nhưng sau đó số máy bị theo dõi sẽ được “trang bị bắt buộc” cho “đối tác”!

Tuesday, July 19, 2005

Phần mềm ứng dụng cho ĐTDĐ tại Việt Nam

- Điện thoại di động (ĐTDĐ) không chỉ là thiết bị đàm thoại thông thường mà đang dần trở thành smartphone (điện thoại thông minh) hoặc PDA (thiết bị trợ giúp cá nhân số). Một trong những tiền đề thúc đẩy sự chuyển biến này của ĐTDĐ chính là nhu cầu của người dùng. Các bước tiến vượt bậc về công nghệ giúp bộ nhớ của ĐTDĐ ngày càng lớn, tốc độ xử lý nhanh hơn... người ta tích hợp vào đó máy ảnh/máy quay video, radio, thậm chí cả tivi và nhiều tính năng khác. Nhưng điều đó chưa đủ, người dùng vẫn mong muốn có thêm nhiều phần mềm ứng dụng hơn nữa, chính vì vậy ngày nay trên thế giới đang hình thành ngành công nghiệp phần mềm ứng dụng cho ĐTDĐ. Một ngành công nghiệp được dự báo sẽ đem lại nguồn thu lớn.

Tại Việt Nam đến thời điểm này, có vẻ như người dùng không có được nhiều ứng dụng bản địa hoá hay nói đúng hơn thị trường chương trình ứng dụng cho ĐTDĐ tại Việt Nam còn bị bỏ ngỏ và rất sơ khai, số lượng chương trình ứng dụng được viết cho người dùng Việt Nam hiện chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, thật buồn nếu biết rằng hiện có hơn 5 triệu người Việt đang dùng ĐTDĐ.

Có thể kể qua một vài ứng dụng hữu ích cho người Việt được phát triển trong thời gian qua như BizPlus - danh bạ marketing của công ty thương hiệu Lanta Brand; một loạt các ứng dụng được phát triển bởi công ty giải pháp CNTT Dasis như: phần mềm Hành Trang Lữ Khách, công cụ tra cứu thông tin du lịch, theo dõi các giải bóng đá quốc tế, xem chứng khoán trực tuyến – VNStock, từ điển Anh – Việt; công ty phần mềm TMA Solutions có bộ từ điển TMA Mobile Dictionary 2.0; công ty KOBE~ có từ điển DictEV. Tham gia viết chương trình ứng dụng cho ĐTDĐ còn có cả nhóm sinh viên của trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM với sản phẩm từ điển MDict, v.v... Nhìn vào các sản phẩm ứng dụng cho ĐTDĐ kể trên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy đa phần đều là nhóm các sản phẩm từ điển và tra cứu, trong khi các ứng dụng dành cho giải trí (game chẳng hạn) hoặc các ứng dụng văn phòng gần như không có.

Trên thực tế, để có một phần mềm ứng dụng tốt chạy được trên ĐTDĐ không phải là điều dễ dàng và để thương mại hoá được chúng lại càng khó hơn, các nhà phát triển rất lo ngại về vấn đề bản quyền. Hơn nữa, việc người dùng tiếp cận với các ứng dụng ĐTDĐ cũng không phải đơn giản. Cách thức để có được các ứng dụng dễ dàng nhất là người dùng truy cập trực tiếp WAP hoặc web thông qua đường truyền GPRS để tải về, thế nhưng đường truyền GPRS của Vinaphone và Mobifone (Viettel chưa có) chỉ mới được cung cấp một cách hạn chế. Chính vì vậy, không có gì là khó lý giải khi hầu hết các ứng dụng mà chúng tôi nêu ở trên đều được miễn phí hoặc được viết theo đơn đặt hàng của một hãng ĐTDĐ nào đó như DictEV chẳng hạn, sản phẩm này được viết cho Sony Ericsson. Hoặc viết vì sự yêu thích như nhóm sinh viên của trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM.

Tóm lại, nếu không có sự kích thích về thương mại thì các phần mềm ứng dụng cho ĐTDĐ ở Việt Nam khó có thể đa dạng và phong phú được. Để thị trường phát triển, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước tiên các nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ, nhà sản xuất hoặc nhà kinh doanh nên tiên phong trong việc đặt hàng các công ty phần mềm. Những chương trình như Mobile Games 2005, cuộc thi viết trò chơi và ứng dụng cho ĐTDĐ vừa được khởi động là một môi trường tốt để thúc đẩy sự ra đời các ứng dụng hữu ích dành cho người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam.

Saturday, July 16, 2005

Lướt web không dây ở tốc độ 200 km/giờ

- Làm sao có thể lướt web được khi đang di chuyển trên những phương tiện có tốc độ lên đến cả trăm dặm một giờ? Vào thư sáu 15-7, NEC đã đưa ra được một giải pháp để giải quyết khó khăn trên.

NEC đã phát triển thành công một bộ định tuyến (router) di động cho phép người dùng có thể truy cập vào không dây băng thông rộng khi đang di chuyển trên những phương tiện có tốc độ cao trên mặt đất. Bộ định tuyến đời mới này được đặt tên là LiteBird có kích thước hết sức nhỏ gọn có thể được gắn dễ dàng vào mọi phương tiện di chuyển. LiteBird sử dụng một công nghệ kết nối Internet độc quyền đời mới của riêng NEC, có khả năng giúp cho các thiết bị di động kết nối mạng băng thông rộng ở tốc độ đến 6 Megabit/giây khi đang di chuyển ở tốc độ đến 200 km/giờ.

Thiết bị LiteBird có thể làm việc ngon lành với mạng LAN và mạng di động 3G đời mới, điều này có nghĩa là máy xách tay, điện thoại di động 3G và các thiết bị di động khác có thể truy cập Internet tốc độ cao dễ dàng ở mọi điều kiện.

NEC cũng đã đưa ra nhiều giải pháp công nghệ chủ yếu phục vụ cho việc truy cập mạng trên tàu lửa và xe buýt tốc độ cao và các giải pháp công nghệ này đã được NEC trình diễn tại hội chợ triển lãm Wireless Japan 2005 được tổ chức từ ngày 13 đến 15-7 tại Nhật.

Friday, July 15, 2005

Samsung và LG chuẩn bị cho ra đời ĐTDĐ Wi-Fi

- Công ty điện tử Samsung và LG đã tuyên bố hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ kết nối không dây Wi-Fi Kineto, nhà cung cấp hàng đầu công nghệ UMA (unlicensed Mobile Access) để phát triển điện thoại di động cầm tay Cellular/Wi-Fi có thể sử dụng UMA cho mục đích cung cấp các giải pháp FMC (Fixed-Mobile Convergence).

Công nghệ UMA là chuẩn 3GPP cho hội tụ mạng di động, Wi-Fi và các hoạt động của điện thoại di động cho phép người sử dụng có thể sử dụng đồng thời các dịch vụ thoại, truyền dữ liệu và IMS trên cả hai mạng di động và Wi-Fi.

Với UMA, các nhà cung cấp dịch vụ có thể giúp các thuê bao điện thoại di động 2 chế độ chuyển (roam) kết nối giữa các mạng di động và công cộng cũng như mạng WLAN cá nhân. Thông tin chi tiết về công nghệ UMA được cung cấp tại trang Web umatechnology.org3gpp.org.

Việt Nam sắp có trung tâm phát triển 3G đầu tiên

- Trung tâm Nghiên cứu công nghệ 3G đầu tiên của VIỆT NAM sẽ bắt đầu hoạt động khoảng 3 tháng nữa tại tỉnh Hải Dương. Trong thời gian đầu, trung tâm tổ chức các khoá đào tạo, giới thiệu công nghệ CDMA, WCDMA và cách lập trình trên môi trường BREW (Binary Runtime Environment of Wireless) của Qualcomm.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Giám đốc quốc gia của Qualcomm Việt Nam, cho biết các khoá học được thiết kế cho người đã có kinh nghiệm lập trình bằng ngôn ngữ C và C++ để thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi công nghệ 3G tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Qualcom là một công ty lớn trên thế giới, chuyên phát triển các công nghệ truyền thông di động thế hệ thứ ba (3G). Giới công nghệ thường biết đến Qualcomm với phần mềm Eudoro dùng để quản lý thư viện điện tử và môi trường lập trình BREW với khả năng cho phép thiết kết và chạy ứng dụng trên nhiều loại chip điện thoại 3G khác nhau.

Thursday, July 14, 2005

Năm 2007: Có pin nhiêu liệu cho ĐTDĐ

- Theo đại diện của nhà cung cấp dịch vụ truyền thông di động lớn thứ hai Nhật Bản - KDDI, công nghệ pin nhiên liệu cho ĐTDĐ sẽ xuất hiện lần đầu tại xứ phù tang trong năm tới, hứa hẹn thay thế xuất sắc cho loại pin lithium ion thường dùng hiện nay.

Trong nhiều năm qua, DMFC (pin nhiên liệu methonol trực tiếp) luôn được xem là giải pháp thay thế cho pin Lithium ion dùng trong MTXT và các thiết bị điện tử di động khác. DMFC rất hữu ích vì có thể dùng liên tục bằng cách gắn bộ xạc nhiên liệu vào. DMFC là sự kết hợp giữa methanol, không khí và nước để tạo ra điện năng.

Một số công ty điện tử lớn của Nhật Bản đã phát triển DMFT nhưng những bản mẫu làm ra lại quá cồng kềnh và rắc rối; hoặc không sản xuất đủ lượng điện yêu cầu. Trong khi đó, các nhà cung cấp ĐTDĐ Nhật Bản đã phải mất rất nhiều năm để nghiên cứu loại pin phù hợp với các loại thiết bị thế hệ mới.

Được biết, NTT DoCoMo (hãng truyền thông di động lớn nhất Nhật Bản) và KDDI đã có kế hoạch phát triển và hoàn thiết bị sạc pin nhiên liệu trong năm tới.

Tuesday, July 12, 2005

Phê chuẩn tên miền .mobi cho web không dây

- Không lâu nữa, dân lướt web sẽ dễ dàng nhận biết các website chuyên dành cho ĐTDĐ và các thiết bị PDA thông qua một dạng đuôi tên miền mới: ".mobi". Tên miền này sẽ được đưa vào sử dụng ngang hàng với tên miền phổ biến ".com" và các tên miền cấp cao nhất khác.

Tên miền mới này vừa được ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) phê chuẩn tại một hội nghị ở Luxemburg trong ngày hôm qua (11/7).

Những website đầu tiên dành riêng cho các thiết bị di động sẽ có mặt vào năm 2006. Chúng sẽ có kích thước, dung lượng và các chi tiết nội dung được thu bé để vừa vặn với màn hình nhỏ, bộ nhớ ít và đường truyền hẹp của các thiết bị di động.

Tên miền mới này đã được đề xuất bởi một nhóm liên minh hùng hậu gồm các "đại gia" sản xuất và cung cấp dịch vụ di động. Liên minh này đã thiết lập một quỹ đầu tư mạo hiểm để khuyến khích các công ty và chuyên gia thiết kế web tạo ra các trang web chuyên cho thiết bị di động. Các công ty thành viên của liên minh này bao gồm Hutchison 3, GSM Association, Ericsson, Microsoft, Nokia, Samsung, Telefonica Moviles, T-Mobile và Vodafone.

Nếu các trang web được tạo riêng cho thiết bị di động trở nên phổ biến, các công ty này hy vọng chúng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng và thay mới ĐTDĐ của người tiêu dùng, mở rộng thị trường ĐTDĐ thông minh, còn gọi là smartphone.

Trong phát biểu chung của mình, liên minh các nhà sản xuất và khai thác dịch vụ di động cho biết: "Khi tên miền .mobi kích thích nhu cầu sử dụng các tính năng cao cấp trong các thiết bị di động, tiềm năng thị trường của các sản phẩm này sẽ gia tăng mạnh mẽ".

Nokia, Ericsson và các công ty khác cũng hy vọng các nhà khai thác dịch vụ viễn thông sẽ mua các thiết bị hạ tầng mạng mới để phục vụ việc truy cập các trang web .mobi này. "Mobi" là từ viết tắt cho mobile phones theo tiếng Hà Lan, nhưng nó hiện đã trở thành một từ gọi tắt, hay một nickname, được sử dụng khắp thế giới để biểu thị thiết bị hoặc dịch vụ di động. Người Bỉ sử dụng từ "GSM," người Đức thì lại dùng từ "handy," người Pháp dùng từ "portable" hoặc "mobile" để diễn đạt khái niệm này. Người Anh thì dùng từ "mobile" còn người Mỹ sử dụng một từ gọn lỏn: "cell". Người Thuỵ Điển dùng từ "mobil" còn người Phần Lan lại đề cập tới ĐTDĐ với từ "kannyka".

Monday, July 04, 2005

ĐTDĐ chơi game: Cuộc chiến mới trên thị trường di động

- Từ lâu, game là phần không thể thiếu trên các máy di động và tính năng đó đã tiến được một quãng đường dài trong thời gian tương đối ngắn. Người chơi game trên điện thoại di động ngày càng gia tăng và đa phần dùng để giải trí cũng như giết thời gian khi đi tàu xe và đợi chờ ai đó.

Tới nay ngày càng nhiều người sở hữu thiết bị liên lạc có chơi game thay vì mua một chiếc máy chơi game thuần tuý như Game Boy. Số lượng các thiết bị có thể chơi game cũng tăng mạnh không kém. Gần một nửa số điện thoại di động hiện giờ cài Java, nghĩa là các máy đó có thể chơi được những trò tương đối phức tạp, thậm chí cả game với đồ họa 3D. Chức năng điều khiển trên các thiết bị cầm tay cho thấy tính vật lý trong game trên ĐTDĐ có tính thuyết phục nhiều hơn và đồ họa ngày càng được cải tiến.

Xuất phát từ thực tế đó, một số nhà sản xuất điện thoại cũng bắt đầu tận dụng để phát triển thêm các tính năng hỗ trợ trên ĐTDĐ. Điện thoại di động dành cho chơi game cũng từ đó được ra đời ngày càng nhiều và đa dạng hơn tạo ra một cuộc đua mới trên thị trường điện thoại di động.

Hiện nay Nokia đang đang chiếm ưu thế trên thị trường điện thoại di động dành cho chơi game khi tung ra một loạt sản phẩm thuộc dòng 60 bao gồm Nokia 7650, 3650, 3660, 6600, 7610, có bộ xử lý RISC 104 MHz đảm bảo chơi game nhanh. Ngoài ra hãng này còn thiết kế riêng hẳn một mẫu điện thoại N-Gage, N-Gage QD dành cho chơi game, với màn hình rộng, độ phân giải cao, các phím bấm được bố trí đặt 2 phía bên cạnh của màn hình giúp chơi game thuận tiện và dễ dàng. Không chỉ có vậy, Nokia còn tung ra dòng điện thoại N70, N90 và N91 được tích hợp màn hình có độ phân giải 352x416pixel với 262.144 màu có thể chơi game 3D cũng như tích hợp sẵn nhiều loại game mới và hấp dẫn vào các dòng máy mới..

Trong cuộc đua với Nokia nhằm chiếm lĩnh thị trường điện thoại chơi game đang ngày càng trở nên phổ biến, Samsung cũng đã tung ra một số điện thoại chơi hỗ trợ tính năng chơi game như: SPH-G1000, SCH-S250, điện thoại chơi game 3.

Được thiết kế dành cho việc chơi game, G1000 có màn hình rộng 2,2 inch, hiển thị 262.000 màu và chip gia tốc hình ảnh 3 chiều. Không giống như nhiều điện thoại chơi game khác thường có tính năng thiên về chơi game hoặc liên lạc, G1000 có vẻ cân bằng được giữa một điện thoại và một thiết bị chơi game. Khi muốn gọi điện hay nhắn tin, bạn chỉ cần bấm nhẹ là bàn phím sẽ trượt ra. Còn khi muốn chơi game, đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ cần xoay ngang điện thoại là có thể chơi.

Ngoài ra, chiếc điện thoại chơi game 3D này của Samsung có hiệu ứng rung đặc biệt. Chẳng hạn, trong cuộc đua ôtô, nếu người chơi đâm xe vào vỉa hè hoặc chướng ngại vật thì điện thoại cũng rung lên, tạo cảm giác rất thú vị. Bên cạnh đó, máy cũng được hỗ trợ khả năng trao đổi dữ liệu không dây trong mạng nội bộ, cho phép nhiều game thủ có thể cùng tham gia vào một trò chơi.

Trong khi đó, SCH-S250 hỗ trợ các độ phân giải: 2.560x1.920, 2.304x1.728, 2.048x1.536, 1.600x1.200, 1.280x960, 640x480 pixel giúp chơi game với hình ảnh chất lượng cao và hiệu ứng âm thanh nổi 3D. Nếu trong lúc chơi game mà có cuộc gọi tới, người sử dụng có thể tạm dừng game và tiếp tục chơi sau khi kết thúc đàm thoại.

Một số điện thoại di động khác cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh này nhưng với số lượng không nhiều: Siemens A50 , S600 và PH-S3500 của Pantech, W600a của Sony Ericsson.

Siemens A50 được trang bị các ứng dụng chạy trên nền Java để có thể cập nhật thông tin trên internet. Các trò chơi trong máy này có nội dung linh hoạt hơn so với các game đời cũ và cho phép tải các trò chơi mới từ internet xuống. Về chất lượng hình ảnh game trong Siemens A50 thì tương đương với các trò trơi điện tử thông thường.

Sony Ericsson cũng tỏ ra không kém cỏi khi tung ra thị trường dòng điện thoại di động W600a có màn hình khá rộng với kích thước 176 x 220 pixel, thật tuyệt vời khi chơi game, màn hình điện thoại 262k màu này sẽ cho bạn hình ảnh thật sống động, ngoài ra khi chơi game, những phím chơi game điều khiển nằm về hai phía của màn hình, màn hình xoay ngang tạo độ rộng tốt nhất, người chơi game sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ dàng. Những game được cài sẵn gồm Extreme Air Snowboarding, Gauntlet, và Worm's Fort: Under Siege. Ngoài ra còn có nhiều game khác cho bạn lựa chọn để tải về. Ngoài ra, Sony Ericsson cũng tích hợp công nghệ 3D vào các dòng điện thoái mới ra như K750i, S710, K500i…

Một hãng khác là Pentech, mặc dù không được nổi tiếng nhưng Pentech là công ty đầu tiên tích hợp chip đồ hoạ và 2 loa âm thanh nổi vào điện thoại CDMA PH-S3500 để hỗ trợ chơi game. Với chíp đồ họa này, PH-S3500 sẽ cho bạn những hình ảnh game 3D sắc nét và sống động, không thua kém bất cứ máy chơi game nào. 2 loa âm thanh 3D 64 âm điệu cùng với chup đồ họa sẽ làm cho những trò game thú vị hơn, nhanh hơn và cũng thật hơn. Khi bạn dùng tay nhẹ nhàng mở chiếc PH-S3500 ra, như một máy trò chơi xuất hiện trước mắt. Với màn hình tinh thể lỏng rộng nằm ngang có độ phân giải 240 x 176 262k màu ở phía trên tạo màu sắc sống động cho game. Phía dưới là bàn phím số với 4 nút điều khiển hướng và 2 nút bắn dành cho những game 3D thật thú vị.

Chơi game cũng là một tính năng trọng tâm của PH-S6000. Các game thủ sẽ cảm thấy bất ngờ trước chế độ hiển thị tỷ lệ màn ảnh rộng của S6000 của Pentech, cho phép các trò chơi được chơi theo chiều ngang của màn hình để làm tăng cảm giác thú vị cho người chơi. Khi xoay theo chiều ngang, hai nút trên đỉnh, lúc này đã trở thành các nút “action” bên phải màn hình, cùng với nút điều chỉnh hướng đảm nhận chức năng điều khiển game. Nếu không muốn chơi bằng hai tay, bạn có thể cầm máy theo chiều dọc hoặc xoay bàn phím tạo cho máy hình dạng giống như chữ L. Khi đó, màn hình sẽ hiển thị tỷ lệ truyền thống.

Điểm thú vị nữa là S6000 có hỗ trợ game nhiều người chơi ngang hàng (multi-player peer-2-peer) thông qua kết nối Bluetooth. Máy có sẵn 3 trò chơi 3D nổi tiếng: Worms Forts(3D), Under Siege (3D), Extreme Air Snowboarding và 1 trò chơi hỗ trợ nhiều người chơi là Gauntlet. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tải thêm trò chơi trên mạng về vì S6000 được hỗ trợ Java MIDP 2.0.

Chị Hoa, chủ một cửa hàng bán điện thoại di động trên phố Hàng Bông, Hà Nội, cho biết: "Ngoài thị hiếu là những chiếc điện thoại thế hệ mới tích hợp trình nghe nhạc MP3, quay phim, chụp ảnh và hỗ trợ kết nối Bluetooth, thì những chiếc điện thoại di động hỗ trợ chơi game cũng được đông đảo người sử dụng mua dùng, đối tượng sử dụng điện thoại hỗ trợ chơi game chủ yếu là học sinh và sinh viên, còn đối tượng cán bộ công nhân viên đã đi làm thì chiếm tỉ lệ ít hơn".